Nhiều người bị trầm cảm bắt nguồn từ nguyên nhân rối loạn chuyển hóa do thói quen ăn uống không cân bằng.
Theo Yourhealth, các nghiên cứu gần đây chỉ ra những trạng thái tâm lý như trầm cảm đôi khi gây ra bởi thói quen ăn uống không cân bằng dẫn đến béo phì hoặc thiếu dinh dưỡng. Để cải thiện tình trạng này, nhân viên y tế của nhiều bệnh viện đã được tập huấn gia tăng nỗ lực để giáo dục bệnh nhân kiến thức về thực phẩm và dinh dưỡng.
Trung tâm Quốc gia về thần kinh và tâm thần học ở Kodaira, Tokyo (Nhật Bản) có phòng chuyên trách về quản lý dinh dưỡng. Theo thống kê, ngày càng nhiều bệnh nhân tìm kiếm các lớp giáo dục dinh dưỡng và quản lý khẩu phần ăn. Các học viên thường chụp ảnh bữa ăn của mình trên điện thoại thông minh trước khi đến gặp chuyên gia dinh dưỡng.
"Bác sĩ nghĩ như thế nào? Tôi đã rất khó khăn khi cố gắng bổ sung rau vào khẩu phần”, một bệnh nhân hỏi và nhận được câu trả lời của chuyên gia dinh dưỡng: "Thật tuyệt vời. Bạn đã ăn thêm các loại rau".
Những người báo cáo đã có 3 bữa điều độ trong một ngày với ít gạo, nhiều trái cây và rau đều được khen ngợi. Bệnh nhân không được yêu cầu đếm lượng calo bởi vì nhiệm vụ này khá phiền hà.
“Ngay cả khi bạn có một hộp cơm từ cửa hàng tiện lợi, bạn có thể dễ dàng thêm đĩa rau hoặc một số nước rau quả không đường giúp cân bằng dinh dưỡng trong bữa ăn của bạn", chuyên gia dinh dưỡng Imaizumi nói. "Nhiều bệnh nhân của chúng tôi sống một mình, vì vậy điều quan trọng là phải nâng cao ý thức để họ thực hiện chế độ ăn kiêng liên tục và dễ dàng".
Một người đàn ông béo phì bị trầm cảm tìm đến trung tâm này. Anh cho biết thường có thói quen ăn thêm vào ban đêm và gặp khó khăn khi thức dậy vào buổi sáng. Chuyên gia dinh dưỡng Imaizumi hướng dẫn anh nên ăn bữa tối sớm và đi ngủ sớm hơn. Việc duy trì thói quen lành mạnh đã dần dần giúp người đàn ông giảm cân, trạng thái tâm lý trở nên tích cực hơn và thoát khỏi trầm cảm.
Theo Imaizumi, mọi người thường cho rằng bệnh nhân bị trầm cảm không thể ăn uống tốt nên sụt giảm trọng lượng. Tuy nhiên thực tế người bị trầm cảm có xu hướng tăng cân, tăng lượng mỡ và đường trong máu. Các bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa như tiểu đường có thể gây ra một tình trạng viêm mô nhỏ mạn tính, làm tăng nguy cơ tiến triển của chứng trầm cảm.
Thiếu dinh dưỡng có những ảnh hưởng tâm lý khác nhau. Ví dụ, thiếu sắt có thể gây ra một loạt các triệu chứng kém tập trung, mệt mỏi và cáu gắt. Trầm cảm sau sinh xuất phát từ việc mất đi một lượng máu lớn dẫn đến thiếu sắt. Nhiều sản phụ bị trầm cảm đã hồi phục sau khi dùng thuốc bổ sung sắt.
Bên cạnh đó có rất nhiều chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến tình trạng tâm lý. Ví dụ thiếu hụt axit folic ảnh hưởng đến chức năng của dẫn truyền thần kinh. Bạn có thể bổ sung từ các loại rau củ màu xanh có màu vàng hoặc xanh lá cây.
Lưu ý: Một số chất dinh dưỡng có thể gây hại cho cơ thể khi dùng vượt quá hàm lượng cần thiết. Nếu bạn bị trầm cảm, bác sĩ sẽ tư vấn điều trị bằng thuốc và tâm lý. Mặt khác, do bệnh liên quan đến lối sống nên điều quan trọng bạn phải tập thói quen ăn uống lành mạnh với đa dạng thực phẩm và chất dinh dưỡng, đồng thời đừng quên tập những động tác thể dục dành cho bệnh nhân trầm cảm.
Tường Linh
Chỉ còn 2 ngày cuối cùng. Căn hộ của bạn sắp được nhận bàn giao ? Đăng ký tại đây để đặt lịch hẹn tư vấn tư vấn bởi kiến trúc sư và nhận bản vẽ concept thiết kế miễn phí trị giá 1.500,000vnđ . Số lượng có hạn.
0 Comments